Tết Trung thu xưa: Khám phá mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội

Mâm cỗ Tết Trung thu của người Hà Nội xưa là một bức tranh văn hóa đa sắc màu, với những món ăn và vật phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Nhưng theo thời gian, những nét văn hóa truyền thống này đã dần bị mai một. Ngày nay, không phải ai cũng nhớ hay biết một mâm cỗ tết Trung thu xưa của người Hà Nội có những gì. Hãy để Bangdinhdonghang dẫn bạn quay về quá khứ, tìm lại những ký ức về cỗ tết Trung thu của người Hà Nội xưa nhé.

Ý nghĩa mâm cỗ trong Tết Trung Thu truyền thống

Sẽ không thể gọi là Tết Trung nếu thiếu đi mâm cỗ Trung thu truyền thống. Mâm cỗ Tết Trung thu không chỉ đơn thuần là một bữa tiệc, mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa về văn hóa và tâm linh của người Việt. Đầu tiên, cỗ Tết trung thu truyền thống tượng trưng cho sự đoàn tụ, gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình. Bởi Tết Trung thu, còn được gọi là Tết Đoàn viên, là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần phá cỗ dưới ánh trăng rằm. Đây là thời điểm mọi người cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc trưng của mùa lá vàng, chia sẻ niềm vui và ngồi hàn huyên lại những câu chuyện cũ.

Thứ hai, mâm cỗ còn là cách để chúng ta thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến với ông bà, tổ tiên và những thế hệ đi trước. Các món ăn trong mâm cỗ không chỉ dành cho người sống mà còn là để cúng bái, mời gọi linh hồn người đã khuất về sum vầy cùng con cháu trong ngày hội trăng rằm này.

Cúng cỗ ngày Tết Trung thu
Cúng cỗ vào ngày Tết Trung thu còn là cách để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đến với ông bà, tổ tiên và những thế hệ đi trước

Hơn thế nữa, Tết Trung thu còn là lễ hội mừng mùa màng bội thu. Việc sửa soạn cỗ Trung Thu với những sản vật của mùa thu là cách để chúng ta tri ân đối với thiên nhiên, đất trời đã ban tặng mùa màng tốt tươi. Đây cũng là dịp mọi người cầu mong một năm mới với nhiều may mắn, thịnh vượng cho các thành viên trong gia đình.

Những thứ không thể thiếu trong cỗ Tết Trung thu của người Hà Nội xưa

Bạn có bao giờ tự hỏi một mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội xưa trông như thế nào không? Hãy cùng chúng tôi khám phá những món ăn và vật phẩm không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu xưa, để thấy được nét đẹp văn hóa độc đáo của người Hà Thành xưa nhé!

Những chiếc bánh trung thu thơm ngon

Bánh trung thu là linh hồn của cỗ Tết Trung thu, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên khắp đất nước Việt Nam. Với hình dáng tròn đầy, bánh trung thu được xem là biểu tượng cho sự đoàn viên, sum vầy của gia đình. Người Hà Thành xưa thường chuẩn bị nhiều loại bánh trung thu khác nhau, mỗi loại mang một hương vị và ý nghĩa riêng. Phổ biến nhất là bánh nướng và bánh dẻo với các nhân truyền thống như đậu xanh, thập cẩm, hoặc hạt sen.

Ngoài ra, còn có những loại bánh như bánh con lợn, con cá hay bánh cốm dành cho trẻ con. Bánh trung thu được xem như một món quà ý nghĩa để tặng người thân, bạn bè trong dịp lễ hội trung thu, thể hiện tình cảm và sự quan tâm. Quá trình làm bánh trung thu cũng là dịp để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau. Mọi người cùng chung tay chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, làm nhân đến khi nướng bánh, tạo nên không khí đầm ấm, vui vẻ trong gia đình.

Món bánh đặc trưng vào Tết trung thu thời xưa
Trong quá khứ, mâm cố Tết Trung thu tại Hà Nội thường có đĩa bánh con lợn, con cá hay bánh cốm dành cho trẻ con

Đèn lồng

Hình ảnh những chiếc đèn lồng đỏ, sáng rực rỡ dưới ánh trăng đêm luôn hiện lên trong ký ức của nhiều thế hệ mỗi khi dịp Tết Trung thu đến. Không giống như bây giờ, những chiếc đèn lồng xưa chỉ được chế tạo từ những vật dụng gần gũi như tre, nứa, giấy bóng kính hay nilon màu. Vậy mà chỉ từ các nguyên liệu thô sơ này, qua bàn tay của những nghệ nhân đã biến thành những chiếc lồng đèn với đủ loại hình dáng, màu sắc.

Thời ấy, phổ biến nhất trong Tết Trung thu là đèn lồng hình con cá chép, con bướm và ngôi sao năm cánh. Đèn lồng trong cỗ Tết Trung thu xưa không chỉ là vật trang trí mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ánh sáng từ đèn lồng tượng trưng cho sự ấm áp, niềm hy vọng và may mắn. Người xưa quan niệm rằng, ánh sáng từ đèn lồng có thể xua đuổi tà ma, mang lại bình an cho gia đình trong ngày Trung thu.

Lồng đèn vào Tết Trung thu
Thời ấy, phổ biến nhất trong Tết Trung thu ở Hà Nội là đèn lồng hình con cá chép, con bướm và ngôi sao năm cánh.

Trong đêm trung thu, cảnh tượng trẻ em rước đèn, ca hát dưới ánh trăng tạo nên một bức tranh đẹp đẽ, đầy màu sắc. Đây là khoảnh khắc mà ngày nay chúng ta ít có thể thấy được tại các thành thị sầm uất.

Ông tiến sĩ giấy

Ông tiến sĩ giấy, còn gọi là ông Đồ, là một hình nhân được làm từ bột gạo nếp hoặc giấy bồi, thường được tạo hình với dáng vẻ của một vị quan văn trong triều đình xưa. Ông tiến sĩ giấy được làm bằng giấy màu đỏ, màu vàng, mang theo hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay và khoác trên mình bộ áo bào trạng nguyên sặc sỡ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ông tiến sĩ giấy được làm dựa trên hình mẫu của bậc đại khoa Đỗ Kinh Rú dưới triều lý. 

Do đó, ông đồ giấy là biểu tượng của trí tuệ, học vấn và thành đạt, phản ánh khát vọng về sự học của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Trong mâm cỗ Tết Trung thu, ông tiến sĩ giấy thường được đặt ở vị trí trang trọng. Các gia đình Hà Nội ngày trước thường bày ông tiến sĩ giấy lên cỗ Trung thu với mong muốn con em mình ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và đỗ đạt thành tài.  

Đồ chơi vào Tết Trung thu
Các gia đình Hà Nội thường bày ông tiến sĩ giấy lên mâm cỗ Tết Trung thu với mong muốn con em mình đỗ đạt thành tài

Mâm ngũ quả

Hà Thành thời kỳ xưa, mỗi gia đình đều có những cách sửa soạn mâm ngũ quả cúng Tết Trung thu khác nhau nhưng đều sẽ có chung một tiêu chuẩn nhất định. Để có một mâm cỗ Trung thu ý nghĩa, mâm ngũ quả phải đạt yêu cầu: có xanh có chín. Người xưa quan niệm rằng màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín mang tính dương, tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ.

Một mâm cỗ Trung thu cổ truyền tại Hà Nội bắt buộc phải có mâm ngũ quả, với các loại trái cây như na, bưởi, quít, lựu,… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cốm, hồng và chuối tiêu chín nám trứng cuốc – những loại quả đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Bên cạnh đó, các gia đình còn có thể bày cả táo, lê, nho và các loại thức ăn khác của mùa thu. Để mâm cỗ thêm màu sắc, một số nhà còn bày thêm 2 bó mía tía được chặt khúc 20cm, nhuộm đỏ hai đầu. 

Mâm ngũ quả vào Tết Trung Thu của người Hà Nội xưa
Để có một mâm cỗ Trung thu ý nghĩa, người xưa cho rằng mâm ngũ quả phải đạt yêu cầu: có xanh có chín

Con giống bột

Con giống bột là một trong những món bày ở bữa cỗ Trung thu xưa được trẻ con yêu thích nhất. Bởi những con giống bột này thường được tạo hình thành các con vật như cá chép, gà trống, rồng, phượng hoặc các nhân vật trong truyện cổ tích. Đây vừa là món đồ chơi vừa là món ăn nhẹ cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu. Tại trung tâm Hà Nội, con giống bột thường được làm từ bột hoành tinh pha nếp (sau này thay bằng bột năng), có thể giữ được nhiều năm. Trong khi, tại Phú Xuyên (ngoại thành Hà Nội ngày nay), sản phẩm này sau khi nặn xong cần được hấp lên và ăn ngay, không thể để trong nhiều ngày. 

Con giống bột trong tết trung thu hà nội xưa
Con giống bột thời xưa thường được làm từ bột hoành tinh pha nếp (sau này thay bằng bột năng), có thể giữ được nhiều năm

Việc tạo ra con giống bột đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của các nghệ nhân nặn tò he. Mỗi con vật không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật nhỏ mà còn mang ý nghĩa cầu mong sự may mắn, thịnh vượng. Con giống bột cũng là cách để người lớn dạy trẻ em về các loài vật và truyền thuyết dân gian. Qua việc chơi đùa với những con vật này, trẻ em học được về văn hóa truyền thống và phát triển trí tưởng tượng của mình.

Các thức ăn, thức uống mang hương vị mùa thu

Theo ông Trịnh Bách – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, một mâm cỗ Tết Trung thu xưa căn bản (trước 1954) ở Hà Nội thường có: 2 quả bưởi (1 quả tỉa hoa), lựu chín đỏ, na, hồng, cam, cốm, chuối (một nải chuối xanh bày mâm ngũ quả và một nải trứng cuốc ăn với cốm), bánh trung thu, bánh con lợn, bánh con cá, 24 chiếc bánh hoa hồng và đĩa con giống bột. Ngoài ra phải đi kèm với các món nhắm rượu như gỏi cá trộn ăn kèm lá mơ và đinh lăng, ốc hấp lá gừng.

Trong tất cả các món, đĩa ốc hấp lá gừng là món độc nhất, đặc trưng chỉ có riêng trong cỗ Tết Trung thu của Hà Nội xưa. Món gỏi cá và ốc hấp lá gừng thường được thưởng thức với rượu Mai Quế Lộ. Các cụ ông sẽ ngồi nhấm rượu, thưởng trăng và ngắm hoa quỳnh nở khi đang nhâm nhi món ăn kèm. Một số nhà sẽ chuẩn bị trà sen – thức uống tinh tế của người Hà Nội, cũng là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Trung thu. Hương thơm dịu nhẹ của trà sen không chỉ giúp cân bằng vị giác sau khi thưởng thức các món ngọt, mà còn tạo nên không gian thanh tao, đậm chất văn hóa Hà Thành.

Món ăn đặc trưng trong Tết Trung thu tại Hà Thành xưa
Đĩa ốc hấp lá gừng là món độc nhất, đặc trưng chỉ có riêng trong cỗ Tết Trung thu của Hà Nội xưa

Mà thời xưa các cụ cũng có cách ngắm trăng rất khác. Người xưa thường lấy một cái chậu thau đồng, đổ đầy nước vào và đặt trước sân nhà. Các cụ sẽ ngắm trăng trong chậu, từ khi trăng mới in một phần bóng cho đến lúc trăng lên giữa đỉnh đầu, tròn xoe. Đây là lúc lũ trẻ con được rước đèn chơi trăng và bắt đầu phá cỗ.

Dù thời gian có trôi qua, Bangđinhonghang hy vọng những giá trị văn hóa của Tết Trung thu vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Hãy cùng nhau trân trọng và lưu giữ những giá trị này, để Tết Trung thu mãi là một ngày lễ đáng nhớ, kết nối quá khứ với hiện tại, và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

YOUR CART
  • Không có sản phẩm trong giỏ hàng

Điền thông tin đơn hàng